Lượt xem: 389

Về những thủy thủ canh biển trời cho Tổ quốc đón Xuân

Để Nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 yên bình, cán bộ, chiến sĩ 5 vùng Hải quân, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái vừa đón Xuân, vừa canh biển, đảo. Ở đất liền duy trì các ca, kíp trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ doanh trại và Nhân dân trên địa bàn đóng quân. Ở Trường Sa, DK1 kiên quyết, kiên trì “mời” những con tàu “không mời mà đến” ra khỏi lãnh hải với nguyên tắc “không bị bất ngờ trong mọi tình huống”.

    Nơi mùa Xuân đến sớm nhất cả nước

    Nếu mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở đất liền bắt đầu từ ngày 28 Tết, thì đối với bộ đội Trường Sa, DK1 bắt đầu bằng chuyến hàng, quà Tết gửi ra từ đất liền.


Chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân sắp bàn thờ Tổ quốc, ảnh Mai Thắng

 

    Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 một tháng, bốn con tàu mang phiên hiệu 561, 571, KN490, KN491 của Vùng 4 Hải quân và Chi đội Kiểm ngư số 4 đã thực hiện chuyến hải trình “Đem mùa Xuân ra đảo Trường Sa”. Đầy ắp trong những khoang tàu đem hơi ấm mùa Xuân nối đất liền với đảo xa là gần 100 tấn hàng quân nhu và quà Tết của Nhân dân cả nước gửi tặng quân dân huyện đảo. 12 ngày sau đó, biên đội tàu Trường Sa 19 và Trường Sa 21 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân cũng chở  hơn 60 tấn hàng, quà Tết vượt sóng ra thềm lục địa, đem mùa Xuân cho cán bộ, chiến sĩ ngoài 15 “pháo đài thép” giữa ngàn khơi. Khó có thể nói hết những khó khăn, gian khổ thuỷ thủ trên những con tàu khi chuyển hàng, quà vào đảo và nhà giàn trong điều kiện sóng to gió lớn, chỉ biết họ đã “sức một làm hai” với tinh thần trách nhiệm cao nhất để quân dân Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 có một cái Tết cổ truyền của dân tộc đủ đầy nơi ngàn trùng sóng gió.

    Sau khi nhận được quà Tết, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 đã tổ chức mổ heo, gói bánh chưng đón Tết sớm, vừa để chia tay cán bộ, chiến sĩ về đất liền đón Tết, vừa tạm biệt đoàn công tác và những phóng viên báo, đài sau chặng hải trình.  Cuộc chia tay bịn rịn giữa sóng gió đại dương, giữa người về đất liền và người ở lại; những ánh mắt đỏ hoe của người lính trẻ; những dòng nhật ký viết vội của nữ phóng viên tạm biệt Trường Sa; những vòng tay siết chặt như chẳng muốn rời xa của chiến sĩ nhà giàn với đồng đội trước khi tàu hú ba hồi giữa mênh mông biển cả. Có lẽ chỉ những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 mới thấu hiểu được nỗi vất vả gian lao và niềm tự hào, kiêu hãnh được canh biển trời Tổ quốc cho Nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 yên bình.

    Xúc động trước tình cảm của quân, dân cả nước đối với bộ đội Trường Sa, Thượng tá Lương Xuân Giáp - Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Trong trái tim của bộ đội Trường Sa có bóng hình của Nhân dân cả nước. Những phần quà thắm tình quân dân đã giúp cho quân và dân Trường Sa thêm vững vàng tay súng, vượt qua khó khăn vất vả, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Còn Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, bày tỏ niềm xúc động khi biên đội tàu rời cảng ra khơi: “Chuyến quà Tết đặc biệt cuối cùng của năm cũ đem tình cảm đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Mùa Xuân đã về với nhà giàn DK1. Các đồng chí hãy yên tâm tư tưởng, vững tay súng canh biển, giữ nhà giàn bằng trái tim và ý chí kiên cường. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và Nhân dân cả nước chờ đón niềm tin, hoàn thành nhiệm vụ của các đồng chí”.

    Trò chơi dân gian, chứa chan tình đồng đội

    Đồng hành đón Tết, vui Xuân với cán bộ, chiến sĩ Hải quân khắp 5 Vùng trên mọi miền đất nước là nhiều trò chơi dân gian đậm nét truyền thống của dân tộc.


Chiến sĩ Trung tâm kỹ thuật Vùng 2 Hải quân thi “nhảy bao bố”, ảnh Mai Thắng

 

    Trong khi những người lính ở miền Đông Bắc của Tổ quốc thuộc Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 có trò chơi “đẩy cây”, “đập bóng”, “đẩy vỏ tô tô”; thì bộ đội Lữ đoàn tàu ngầm 189 trổ tài “bịt mắt bắt heo”; còn các chiến sĩ Đoàn Đặc công nước thì thi thố tài năng trình diễn màn “Yết Kiêu trên cạn”. Trong khi những người lính trẻ Vùng 4 Hải quân chơi trò “bịt mắt đập heo đất”; thì những chiến sĩ “áo vằn cánh sóng” nơi Phú Quốc, Kiên Giang trổ tài “ai khỏe hơn ai” trong tiết mục “chèo thuyền vượt sóng”; còn bộ đội Vùng 2 Hải quân chơi trò “bịt mắt bắt vịt”, “nhảy bao bố”, “kéo co”, “đập bóng lĩnh thưởng”.

    Đóng quân cách đất liền cả ngàn cây số; quân, dân ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đón quân thuộc quần đảo Trường Sa có niềm vui riêng của lính xa đất liền. Trong khi quân và dân đảo Trường Sa lớn tổ chức trò chơi “đánh trúng côn”, thì bộ đội đảo Sơn Ca thi “chiến sĩ trẻ đấu cờ tướng”. Trong khi đó quân, dân đảo Sinh Tồn đi chùa lễ Phật để cầu cho quốc thái dân an, mua thuận gió hòa, biển đảo yên bình; thì bộ đội ngoài 15 “pháo đài canh biển” trổ tài thi đấu bóng bàn, kéo xà đơn, đẩy tạ rèn luyện sức khoẻ và thi “giọng hát vàng trên sóng nhà giàn”. Mỗi đảo nhỏ tiền tiêu, mỗi nhà giàn giữa bạt ngàn bão tố tổ chức trò chơi dân gian khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là khơi gợi lại niềm tự hào của dân tộc, rèn luyện sức khỏe, nhân lên niềm vui, đồng sức chung tâm, quyết tâm giữ vững cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển.

    Chia sẻ từ nhà giàn DK1/9, Chính trị viên, Đại úy Trần Văn Đông nói “Chúng tôi tổ chức trò chơi dân gian trong ba ngày Tết cho bộ đội không chỉ vui, rèn luyện sức khỏe, mà còn góp phần cho bộ đội hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đọng lại sau những trò chơi ấy là tình cảm đồng chí đồng đội ngày càng càng gắn bó, tạo nên khí thế, động lực tinh thần phấn khởi để bước vào mùa huấn luyện mới”.

    Vui Xuân mới, vững tay súng canh biển, giữ trời


Quân dân đảo Sinh Tồn đi lễ chùa đầu xuân mới, ảnh Nguyễn Ninh

 

    Với tinh thần “vui Xuân không quên nhiệm vụ”, đồng hành cùng những trò chơi dân gian ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng Hải quân duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu tại các sở chỉ huy từ Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân  đến Sở chỉ huy các đơn vị trung, lữ đoàn, học viện, nhà trường, đảo, điểm đảo, nhà giàn DK1, tàu trực trên biển, các trạm radar trên núi cao, rừng sâu hẻo lánh.

    Đóng quân ngoài “vùng biển nhạy cảm” trong quần đảo Trường Sa, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài B - Đại úy Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, ba ngày Tết cán bộ, chiến sĩ của đảo đã duy trì nghiêm ngặt các ca, kíp trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là trực thông tin, cơ yếu để nắm tiếp nhận những thông tin từ đất liền, những động thái mới bất ngờ từ biển. “Những ngày Tết cũng là những ngày mài sắc ý chí chiến đấu cao độ nhất. Trong bất kể ngày hay đêm đều nêu cao cảnh giác, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đã là lính đảo, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là vững chắc tay súng giữ vững chủ quyền. Đó là nhiệm vụ bất di bất dịch” - Đại úy Khánh, nói.

    Lần đầu tiên ôm súng đứng gác giữa biển trời đảo Cô Lin khi Tết đến, Xuân về, trong trái tim người lính trẻ - chiến sĩ Nguyên Lý chen lẫn niềm vui là xúc động dạt dào khi tôi hỏi “đón Tết ở đảo em có thấy nhớ nhà?”. Từ đảo Cô Lin, Lý chia sẻ qua điện thoại: “Với em đời lính đảo đẹp nhất là được cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc”. Còn Đại úy Lại Văn Khánh - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/9 thể hiện quyết tâm của người sĩ quan chỉ huy canh cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa: “Mỗi một nhà giàn là một cột mốc sống mang chủ quyền quốc gia trên biển. Niềm vui của chúng tôi chỉ trọn vẹn khi Nhân dân cả nước đón Tết yên bình, 15 nhà giàn được trường tồn trên biển mãi mãi như những dáng đứng Việt Nam”.

Mai Thắng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 779
  • Trong tuần: 70,112
  • Tất cả: 11,864,139